Lượt xem: 430

Ngã Năm có hơn 80% diện tích sản xuất lúa đặc sản cho vụ Đông Xuân 2020-2021

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong chuyển đổi giống sản xuất, vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021, nông dân thị xã Ngã Năm đều chọn giống lúa đặc sản, lúa thơm để sản xuất cho vụ mùa. Việc chọn giống lúa đặc sản giúp nâng cao chất lượng hạt lúa làm ra, tăng thu nhập cho bà con nông dân và xây dựng thương hiệu vùng lúa thơm trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

    Nếu như vụ lúa Đông Xuân năm trước, gia đình anh Lê Văn Tiết - ở ấp 18, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm chọn giống lúa thường để sản xuất, thì ở vụ Đông Xuân 2020 - 2021, gần 8 ha đất của gia đình đã chọn giống Đài Thơm 8 để sản xuất. Bởi nếu tính bình quân năng suất làm ra trong vụ Đông Xuân trước, thì năm nay sản xuất giống đặc sản, ước giá trị kinh tế cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, gia đình cũng khá thận trọng trong việc chọn giống phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất nơi đây để sản xuất.

    Anh Lê Văn Tiết - ở ấp 18, xã Tân Long chia sẻ thêm: “Việc chọn giống sản xuất mình phải dựa trên thổ nhưỡng, cộng với giá thành sản xuất để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất. Đối với giống lúa Đài Thơm 8 của giống cây trồng miền Nam sản xuất, thì khả năng chịu phèn cao, cứng cây chống đổ ngã chịu được vùng đất trũng”.


Nông dân ngâm ủ giống đặc sản để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021. Ảnh Tuấn Phi

 

    Còn ở khóm Tân Trung, Phường 2, thị xã Ngã Năm, toàn khóm có 291 ha đất sản xuất lúa, có gần 95% diện tích sản xuất giống ST24, tăng hơn gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Theo bà con nông dân, nhiều năm qua nơi đây đã sản xuất giống ST24, do nông dân nắm vững quá trình sinh trưởng của cây lúa nên việc canh tác giống ST24 trong vụ Đông Xuân năm nay cũng không đáng lo. Mặc khác, năm nay nhiều doanh nghiệp uy tín đã đến bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với thỏa thuận rõ ràng, giá thành đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trên 50%.

    Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Nhanh - Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng Ban Nhân dân khóm Tân Trung, Phường 2, thị xã Ngã Năm phấn khởi cho biết: “Toàn khóm năm nay đã được bao tiêu trên 95% diện tích, trong đó chủ yếu là giống là ST24, giống này bà con đã làm mấy vụ rồi nên cũng hiểu được đặc tính như ít sâu bệnh, dễ làm, nên lợi nhuận đem lại khá cao, lại được doanh nghiệp uy tín bao tiêu với giá từ 6.000 - 6.300 đồng/kg lúa tươi tại ruộng nên nông dân yên tâm sản xuất”.

    Trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, toàn thị xã Ngã Năm sản xuất 18.728 ha, trong đó, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm chiếm trên 80%, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước là 20%; trong đó, giống chủ lực trên địa bàn là ST24, với diện tích chiếm gần 70% tổng diện tích sản xuất lúa đặc sản ở địa phương. Việc chuyển đổi cơ cấu giống từ cao sản sang đặc sản được chính quyền địa phương khuyến khích; nhiều doanh nghiệp uy tín, đại lý ở địa phương đã tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu lúa cho vụ Đông Xuân năm nay, với diện tích gần 80% tổng diện tích sản xuất trên địa bàn thị xã.

    Đồng chí Kim Thị Mộng Nhi - Chủ tịch UBND xã Long Bình, thị xã Ngã Năm cho biết: “Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có 03 doanh nghiệp bao tiêu đó là Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Hồ Quang và Công ty Tín Thương với trên 80% tổng diện tích sản xuất, chủ yếu là giống ST24. Việc bao tiêu được địa phương quan tâm, chỉ đạo triển khai tại các cuộc họp trong dân, qua đó, các doanh nghiệp đưa ra những điều kiện của hợp đồng khá rõ ràng, giá cả ổn định nên bà con nông dân đồng thuận cao”.

    Theo đánh giá của ngành chức năng, năm nay tình hình chọn giống đặc sản để sản xuất được nhiều nông dân lựa chọn, do đó, vệc chủ động thông tin về chất lượng lúa giống và khuyến cáo nông dân những vấn đề cần quan tâm trước khi mua giống, được ngành chức năng quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề giải pháp kỹ thuật cũng được ngành chuyên môn khuyến cáo.

    Kỹ sư Lưu Tấn Hòa - Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Năm khuyến cáo: “Khi chọn giống sản xuất, bà con nông dân cần lưu ý chọn những công ty, doanh nghiệp uy tín để mua; bên cạnh đó, trên bao bì, bà con nên xem kỹ như nơi sản xuất, công ty sản xuất, lô sản xuất và chứng nhận hợp quy. Đồng thời, khi gieo xạ cùng một loại giống trên cùng diện tích rộng lớn sản xuất, thì bà con cần chú ý một số giải pháp kỹ thuật và phòng ngừa các loại dịch hại như rầy nâu, sâu đục thân, bệnh đạo ôn,…”.

    Với thổ nhưỡng phèn mặn nhiều vùng đất trên địa bàn thị xã rất thích hợp với sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản. Và nhiều diện tích lúa thơm được nông dân chọn sản xuất dần thay thế các nhóm giống cao sản và lúa thường, góp phần tăng thu nhập trên 1 ha từ 2 -3 triệu đồng. Đây cũng là tiềm năng đang được “đánh thức” trên địa bàn thị xã, giúp Ngã Năm dần là thủ phủ lúa thơm của tỉnh Sóc Trăng.

Tuấn Phi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 86
  • Hôm nay: 1787
  • Trong tuần: 71,120
  • Tất cả: 11,865,147